Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở
không chỉ giúp đỡ được cho các hộ nghèo có điều kiện xây dựng nhà ở và
ổn định cuộc sống mà còn củng cố niềm tin của nhân dân với chính quyền.
Điều này được thể hiện ở quyết tâm của lãnh đạo các tỉnh, thành trên cả
nước trong việc chỉ đạo, điều hành, tạo mọi điều kiện và vượt khó khăn
để thực hiện và hoàn thành kế hoạch. Ghi nhận trong báo cáo kế hoạch
tổng kết Chương trình 167 do Bộ Xây dựng tổ chức đã có nhiều sáng kiến
nhất là đối với các tỉnh miền núi, tỉnh vùng sâu vùng xa, và những tỉnh
có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống…

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam trao quà cho các hộ nghèo 176.
Nỗ lực vì nhà ở của người nghèo
Là tỉnh nghèo nhất ĐBSCL nhưng Đảng bộ và chính quyền các cấp của Sóc
Trăng đã tìm mọi biện pháp tập trung cho xây dựng nhà ở theo Chương
trình 167. Với dân số 1,1 triệu người, trong đó có trên 23,6% là hộ
nghèo và trên 12% hộ cận nghèo; Sóc Trăng có số hộ khó khăn về nhà ở là
29.644 hộ trong đó có 14.986 hộ Khmer chiếm tỷ lệ 50,55% tổng số nghèo
toàn tỉnh là trăn trở lớn của lãnh đạo tỉnh này. Trước hết là làm tốt
công tác bình xét hộ nghèo với phương thức công khai minh bạch tạo sự
đồng thuận và không có khiếu kiện. Để triển khai đảm bảo tiến độ, chất
lượng công trình, tỉnh thành lập Ban chỉ đạo để thống nhất trong điều
hành, đưa ra nhiều giải pháp thực hiện.
Lãnh đạo các xã chủ động liên hệ các DN cung ứng vật liệu xây dựng hỗ
trợ, ủng hộ cho các gia đình nghèo nguyên vật liệu để xây nhà. Trong
thời gian ngắn, các đơn vị này khắc phục điều kiện khó khăn về giao
thông đến vùng sâu vùng xa, bất lợi của thời tiết, bán trả dần nhưng cam
kết không tăng giá. Ban chỉ đạo tỉnh cũng yêu cầu các xã, các hộ phải
huy động nguồn lực, vật liệu tại chỗ như cát, đá, chuẩn bị mặt bằng,
thiết kế thi công phù hợp với không gian, tâm lý tín ngưỡng của đồng bào
dân tộc. Huy động nhiều lực lượng tham gia gồm đoàn thể địa phương,
hàng xóm láng giềng, dân quân bộ đội, chỉ đạo công tác giải ngân nhanh
chóng thuận lợi. Riêng huyện Trà Cú, trong hai năm đã xây dựng xong trên
8 nghìn căn hộ. Đến nay, tỉnh đã xây dựng xong nhà ở cho 28.603 hộ gia
đình nghèo, đạt 96,48% và cơ bản giải quyết xong đối tượng gia đình có
công và hộ người dân tộc Khmer.
Là một trong số gần chục tỉnh hoàn thành trước 2 năm so với mục tiêu
chung của cả nước và trước 1 năm kế hoạch đề ra. Tháng 12/2010 Lâm Đồng
đã xây dựng được 7,372 căn hộ, tháng 4/2012 xây dựng bổ sung thêm nhà
cho 348 hộ. Tỉnh có chỉ đạo cho phép các gia đình nghèo được khai thác
tận dụng nguồn gỗ từ các cây khô, chết về làm vật liệu dưới sự quản lý
chặt chẽ của Ban quản lý rừng tránh viêc khai thác bừa bãi. Mỗi căn hộ
được hỗ trợ 10 triệu đồng (Trung ương hỗ trợ 7,7 triệu và tỉnh hỗ trợ
2,3 triệu), có quy mô diện tích từ 25 - 40m2, giá trị từ 30 - 50 triệu
đồng với kết cấu căn nhà đảm bảo “3 cứng”, khang trang. Trong quá trình
thực hiện, xuất hiện nhiều tổ chức cá nhân tận tâm với hộ nghèo tại địa
phương là một nguồn lực đáng quý không nhỏ góp phần giúp tỉnh hoàn thành
nhiệm vụ.
Cộng đồng giúp sức chung tay
Ngày 16/4/2009, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đề án với tổng số người
nghèo được hỗ trợ về nhà ở là 35.043 hộ (là tỉnh đứng đầu cả nước), tổng
số nguồn vốn hỗ trợ là 769,708 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai số
hộ gia đình được hỗ trợ chính thức là 32.086 hộ và sau 3 năm toàn bộ các
gia đình này đã được xây dựng nhà ở mới. Nhờ có sự kết hợp chặt chẽ với
Mặt trận Tổ quốc tỉnh kêu gọi, sự tập trung chỉ đạo của Bộ Xây dựng và
thực hiện của Sở Xây dựng, tỉnh Thanh Hóa đã huy động được từ các DN hơn
61 tỷ đồng, chủ yếu ủng hộ các hộ của 7 huyện nghèo theo Nghị quyết 3a
của Chính phủ.
Huy động DN tham gia hỗ trợ xây dựng nhà cho chương trình không phải là
sáng kiến của riêng Thanh Hóa. Theo ông Nguyễn Văn Linh - Phó chủ tịch
UBND tỉnh Bắc Giang thì tỉnh cũng nhận được hỗ trợ từ nguồn kinh phí của
các DN trên địa bàn. Điển hình như huyện Lục Ngạn có số hộ nghèo cần hỗ
trợ lớn nhất là 3.648 hộ, chiếm 44% tổng số hộ của tỉnh. Hết năm 2010,
huyện còn 1,108 hộ chưa làm nhà với lý do khác nhau. Ban chỉ đạo của
tỉnh đã họp, tổ chức các hội nghị riêng với huyện kêu gọi các DN chung
tay giúp sức. Sau hội nghị đã thu được 1,8 tỷ đồng hỗ trợ. Bên cạnh đó,
Bắc Giang cũng vận dụng linh hoạt chỉ đạo của Bộ Xây dựng cho phù hợp
với tình hình địa phương. Ví dụ Bộ Xây dựng đề ra mục tiêu làm nhà phải
tồn tại trên 10 năm và diện tích 24m2 trở lên. Nhưng một số hộ dân cần
cải tạo nhưng xương khung nhà còn khá tốt, với số tiền được vay, người
dân cũng không làm được nhà mới như khung nhà hiện đang có. “Vì vậy,
chúng tôi thống nhất cho phép người dân có thể giữ lại khung nhà cũ, có
thể để lại tường vẫn được thanh toán cải tạo nhà mới với điều kiện tổng
số tiền xây dựng nhà phải cao hơn mức nhà nước hỗ trợ và Ngân hàng chính
sách xã hội cho vay, đáp ứng tiêu chí của Bộ Xây dựng đưa ra” - ông
Linh nói. Hiện toàn tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành nhà cho 8.256/8.308 hộ
nghèo, đạt 99,4% kế hoạch.
Mặc dù có kết quả bước đầu nhưng các tỉnh đều có đề xuất để Chương
trình nhà ở 167 giai đoạn 2012 - 2015 có sự tiến triển khác biệt. Ví dụ
như kiến nghị về vấn đề mức hỗ trợ của Trung ương trong khi giá VLXD
tăng cao, bổ sung kinh phí cho các hộ nghèo vẫn đang khó khăn chưa được
hỗ trợ trong giai đoạn 1. Bộ Xây dựng cũng cần hỗ trợ địa phương trong
thiết kế kiến trúc mẫu nhà phù hợp địa hình, thời tiết, văn hóa từng khu
vực đồng thời xây dựng phần mềm, áp dụng khoa học công nghệ thông tin
trong quản lý báo cáo các địa phương áp dụng từ xã đến Trung ương.
(Theo baoxaydung)
|