Trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10-2012, Bộ trưởng Bộ Xây
dựng Trịnh Đình Dũng đã có một bản "thuyết trình” khá cơ bản, và phần
nào thuyết phục về những đường hướng mở ra trong thời gian trước mắt
cũng như lâu dài cho thị trường bất động sản nước ta.
Dù ở một góc độ nào đó, theo cách nói của người Việt Nam thì vẫn chỉ
là "xài”, là đánh … "du kích”. Tất nhiên, trong thời điểm hiện tại, đó
là những giải pháp có thể chấp nhận được. Nhưng cái tầm nhìn hiện thời
đó, khó có thể thuyết phục trong một tương lai không xa.
Từ chuyện chung cư Đại Thanh ở khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội đã
làm "cú PR (tạm hiểu là khuếch trương thương hiệu – PV) ngoạn mục” bằng
cách giảm giá bán cho hàng trăm căn hộ xuống hơn mức trung bình là 10
triệu đồng/m2, đến chuyện Công ty Lê Thành (phường Bình Trị Đông A, quận
Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) đưa ra "chiêu PR” bằng cách cho thuê căn hộ
hoàn chỉnh trong vòng 15 năm, với mức giá chốt là 240 triệu đồng, đến
chuyện các doanh nghiệp bất động sản khác, cả ngoài Bắc trong Nam, đã và
(chắc chắn!) sẽ làm, nhằm "kích cầu thị trường bất động sản” để tìm mọi
cách hâm nóng thị trường này, xem ra (từ thực tế) vẫn khá nhạt nhòa!

Vẫn còn nhiều biệt thự bỏ hoang tại các khu đô thị mới.
Bởi vì dù muốn nói gì thì nói, giờ là thời điểm kinh tế khó khăn, đa
phần người dân (dù một số không nhỏ rất có nhu cầu!), nhưng tâm lý ngàn
đời của người Việt Nam là … cũng vẫn phải nghe ngóng khi định bỏ cả đống
tiền mua đất hoặc nhà. Mặc dù nói thẳng ra rằng, nếu thị trường này
không suy thoái theo "con bài đô mi nô” của nền kinh tế, chắc chắn (tại
nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) đố ai có thể bỏ ra khoảng từ 300 đến
500 triệu đồng để được ở trong những căn chung cư tối đa khoảng bốn
chục mét vuông. Vậy đây là cơ hội hay đây là điều tất nhiên sẽ đến?
Lại chắc chắn, sẽ đố ai tìm ra được câu trả lời! Bởi vì cũng như đố
ai đoán định được "nguyên nghĩa” thị trường bất động sản Việt nam. Đã
nhiều năm rồi, chính thị trường này bị thao túng, bị "làm giá”, khiến
cho chính nó cũng chẳng phải là nó. Và người có nhu cầu thật cứ "xoay
như chong chóng” bởi những người chẳng có nhu cầu, mặc sức chạy theo
người ta làm giá, mặc sức cuốn vào cái gọi là "tâm lý bầy đàn”, thậm chí
thấy người ta mua thế, mình cũng phải thế mà không đoán định, không cân
lượng được giá trị thực của nó là bao nhiêu?
Để đến lúc, cơ quan quản lý nhà nước bảo rằng, hiện đang có cả tỷ tỷ
đồng "chôn” theo bất động sản, nền kinh tế bị teo tóp, ngân hàng dè
chừng, doanh nghiệp đình đốn …. thì cuối cùng đất vẫn chỉ là đất, người
ta mới "tá hỏa tam linh”! Bao nhiêu đại gia phất lên từ đất, bao nhiêu
kẻ "ăn theo” nhà và đất, giờ phần thì phá sản, phần lặn không sủi tăm,
lại có phần lần lượt theo đuôi nhau … "xộ khám”! Người ta vẫn nói rằng,
đất chỉ là đất, nhà chỉ là nhà, chỉ có giá trị thực là đã bị thổi lên
trong một thời gian quá dài, nên giờ không dễ quay về … mặt đất!
Cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan truyền thông, dư
luận xã hội … vẫn ra rả nói về "nút thắt” bất động sản đối với nền kinh
tế xã hội và dân sinh. Vì rằng, đa phần nguồn tiền của nền kinh tế và
người dân, hiện đang "đóng băng” ở lĩnh vực này (như cách nói của một
lãnh đạo ngành xây dựng). Nhưng cơ quan chức năng thì vẫn "rối” một lối
ra. Doanh nghiệp bất động sản (nếu chưa phá sản) thì cũng quay cuồng
những mong (chí ít!) thu hồi lại được những đồng vốn bỏ ra, mà sao khó
quá. Mọi nẻo đường để đến chỗ … hồi sinh dường như vẫn mịt mùng. Nhiều
cách làm táo bạo, quyết đoán đã nảy sinh từ thực tế, nhưng vẫn chỉ là
những phát pháo lệnh lẻ loi, đơn điệu. Vì rằng, đã nhiều năm qua, sự
"thổi giá” quá mức, quá nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, gần như đã
khiến thị trường này đi chệch đường ray. Để đến lúc, muốn quay trở về
giá trị thực, thì mọi chuyện đã quá xa vời ….
Nhưng chắc chắn nền kinh tế, cơ quan chức năng, doanh nghiệp hữu quan
và người dân đã hoàn toàn bất lực. Trong cái khó, sẽ "ló” nhiều cái
khôn. Tất nhiên, vì cả tỷ tỷ đồng không mãi "chôn” …..trong đất!
(Theo DDK) |