Sự kiện một số hộ dân ở làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) đồng loạt ký đơn xin
trả lại danh hiệu Di tích quốc gia một lần nữa cho thấy, mâu thuẫn giữa
bảo tồn và phát triển đòi hỏi phải sớm có lời giải.
Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hùng
Sơn, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm về vấn đề này.

Đang đi đúng hướng
Làng cổ Đường Lâm được công nhận di sản quốc gia năm 2005. Từ đó
đến nay, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm đã làm gì để bảo tồn và
phát huy giá trị di sản này?
Ông Phạm Hùng Sơn: Ban quản lý Làng cổ Đường Lâm
được thành lập tháng 6/2006, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Việt Nam
và đặc biệt là các chuyên gia Nhật Bản đến từ tổ chức JICA đã giúp chúng
tôi bảo tồn và phát huy giá trị di tích của Làng cổ Đường Lâm đúng
hướng.
Bộ VHTTDL đã cho phép chúng tôi làm hồ sơ để đến 30/6 tới sẽ trình Bộ
để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Làng cổ Đường Lâm là Di tích
quốc gia đặc biệt.
Lượng khách du lịch đến với Đường Lâm ngày một tăng. Cụ thể, nếu
trong năm 2008, Làng cổ Đường Lâm thu hút được khoảng 3 vạn khách tới
thăm, thì sang năm 2009 là 4 vạn, năm 2010 là 7 vạn, năm 2011 là 9 vạn
và đến 2012 chúng tôi đã thu hút được 12 vạn khách du lịch.
Năm 2012, chúng tôi thu được số tiền 1,4 tỷ từ việc bán vé tham quan
cho khoảng 7 vạn khách, còn lại khoảng 5 vạn khách là các đoàn nghiên
cứu, học sinh, sinh viên, người cao tuổi... đến với Đường Lâm thì chúng
tôi không thu phí.
Điều này chứng minh Đường Lâm có những giá trị văn hóa lịch sử, kiến
trúc nghệ thuật hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, lượng
khách du lịch nước ngoài năm nay đến với làng cổ đã tăng từ 20-35%, tính
riêng 4 tháng đầu năm nay chúng tôi đã thu được 1 tỷ đồng từ việc bán
vé cho du khách và hiện nay ngày nào Đường Lâm cũng có những đoàn khách
nước ngoài đến thăm quan.
Dân nhận thức chưa cao, “cơ quan” hữu trách thiếu trách nhiệm
Vậy lý do nào khiến hơn 80 hộ dân ở Làng cổ Đường Lâm phải viết
đơn xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia, ý kiến của ông về việc này
như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Hùng Sơn: Theo tôi, đó là vì nhận thức về bảo tồn di sản chưa cao của một số hộ gia đình.
Những người viết đơn và ký tên chỉ là đại diện cho một số hộ dân chứ
không phải là đại diện của 6.000 người dân sinh sống tại Đường Lâm.
Những gia đình ký đơn chủ yếu là những hộ vi phạm trật tự xây dựng bị
chính quyền sở tại xử lý và sẽ thực hiện công tác cưỡng chế nên họ bức
xúc vì khoản tiền đã bỏ ra xây dựng.
Về phía thị xã Sơn Tây, một số cơ quan và UBND xã Đường Lâm đã thiếu
trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn đốc việc quản lý trật tự xây dựng ở
Đường Lâm và chúng tôi cũng đã kiểm điểm việc này.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng có một số bất cập trong công
tác bảo tồn, phát huy giá trị Làng cổ Đường Lâm đang làm ảnh hưởng đến
cuộc sống của nhiều người dân làng cổ. Cụ thể, Luật Di sản coi Đường Lâm
là một di tích như đình, chùa, hay thành cổ là điều bất cập, quy định
bảo tồn Đường Lâm phải giữ nguyên trạng cả về không gian và mặt bằng di
tích, tóm lại là ruộng, ao, đường vẫn để nguyên...
Đường Lâm là một di tích sống, có 1.500 hộ dân với 6.000 người dân
đang sinh sống. Việc dựng vợ gả chồng của người dân trong làng sẽ làm
tăng dân số và phát sinh nhu cầu tách hộ trong khi họ lại không được
phép sửa sang, cơi nới nhà cửa do phải theo những quy định của Luật Di
sản. Hiện người dân Đường Lâm dù chỉ xây công trình phụ thôi cũng phải
xin các thủ tục theo đúng Luật Di sản, Luật Xây dựng. Họ phải làm đơn
nêu rõ thiết kế, trích lục bản đồ khẳng định quyền sử dụng đất rồi phải
lấy xác nhận của thôn, xã, thị xã, Sở VHTTDL, Cục Di Sản, Bộ VH-TTDL. Vì
làng cổ là di tích quốc gia phải đảm bảo cả 2 luật nên quy trình thủ
tục rất phức tạp và người dân Đường Lâm không thể làm được những thủ tục
như vậy.
Chúng tôi cũng đã kiến nghị rất nhiều tới các cơ quan từ Sở VHTTDL Hà
Nội, Cục Di sản, Bộ VHTTDL, UBND TP. Hà Nội về những bất cập này.
Một bất cập nữa là việc hỗ trợ cho người dân làm du lịch để hưởng lợi
từ du lịch vẫn còn khó khăn. Đường Lâm khác với Hội An. Hội An là nơi
buôn bán trên bến dưới thuyền từ thế kỷ 15, 16 khi những tàu buôn nước
ngoài sang buôn bán nên người dân nơi đây đã biết làm du lịch, biết buôn
bán từ lâu rồi. 90% người dân Hội An biết làm du lịch, sống nhờ du lịch
nên công tác bảo tồn ở đây rất tốt. Đường Lâm chúng tôi thì khác,
80-90% người dân làm nông nghiệp nên dù có đưa nhiều khách du lịch đến
thì người dân Đường Lâm cũng khó có thể hưởng lợi từ du lịch do không
biết cách làm.
Hợp lý thủ tục cấp phép xây dựng, khẩn trương cấp đất giãn dân
Vậy theo ông, giải pháp nào được coi là quan trọng nhất để giải
quyết những bất cập trong vấn đề bảo tồn di sản Làng cổ Đường Lâm?
Ông Phạm Hùng Sơn: UBND thị xã Sơn Tây đã có chỉ đạo
cụ thể trước mắt là tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người dân có tên
trong đơn. Cùng với đó, Thị xã cũng chỉ đạo các ngành, tham mưu cho UBND
TP. Hà Nội và Cục Di sản, Bộ VHTTDL sớm có những văn bản hướng dẫn thực
hiện Luật Di sản phù hợp với di tích Làng cổ Đường Lâm.
Quan trọng hơn nữa là việc khẩn trương có chính sách cấp đất giãn
dân. Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị và tham mưu cho UBND TP. Hà Nội sớm ủy
quyền cho UBND thị xã Sơn Tây cấp phép xây dựng cho người dân ở Đường
Lâm.
Chương trình của UBND thị xã Sơn Tây về bảo tồn và phát huy giá trị
di tích Làng cổ Đường Lâm có nêu rõ trong năm 2013 sẽ phấn đấu để Làng
cổ trở thành Di sản quốc gia đặc biệt, năm 2017 và những năm tiếp theo
sẽ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi phấn đấu năm 2015 sẽ hoàn thành
chương trình xây dựng nông thôn mới và có 40% số hộ gia đình làm nông
nghiệp thu được lợi ích từ việc làm du lịch và đến năm 2020 sẽ có từ
70-75% hộ gia đình của Đường Lâm hưởng lợi từ du lịch, đem lại thu nhập
ổn định và ngày càng cao cho các hộ dân.
Để làm được như vậy, chúng tôi đã có những chương trình cụ thể.
Chương trình thứ nhất là các phòng, ban của thị xã, đặc biệt là Phòng
Kinh tế cùng với UBND xã Đường Lâm phải thực hiện ngay chuyển đổi cơ cấu
kinh tế, chuyển mạnh từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, tất cả cây
trồng, vật nuôi của Đường Lâm cũng phải biến thành sản phẩm du lịch để
người dân có lợi.
Chương trình thứ hai là lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã
hội xã Đường Lâm phù hợp với quá trình phát triển và bảo tồn giá trị di
tích của Làng cổ, đồng thời tiến hành quy hoạch khu tái định cư để từng
bước giãn các hộ dân ở khu vực Làng cổ.
Chương trình thứ ba là phối hợp với các tổ chức quốc tế, các bộ,
ngành Trung ương và Thành phố nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị công nhận
Làng cổ Đường Lâm là Di tích quốc gia đặc biệt, trên cơ sở đó hoàn thiện
các tiêu chí đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Từ năm 2012, chúng tôi đã dùng một phần tiền thu được từ việc bán vé
tham quan để tập huấn cho bà con Đường Lâm biết cách làm du lịch, tổ
chức các cuộc thi cho các cháu thiếu niên, in ấn các tài liệu để bà con
hiểu được giá trị của di tích... Không những tập huấn, chúng tôi còn đưa
bà con đi tham quan ở làng cổ Bát Tràng, ATK Định Hóa, Thái Nguyên, Mai
Châu, Hòa Bình… để bà con có thể học cách làm du lịch như thế nào.
Ngoài ra chúng tôi cũng chi cho công tác hỗ trợ trật tự an ninh của
xã và hỗ trợ cho 13 ngôi nhà cổ mỗi nhà từ 200.000-400.000 đồng/tháng,
hỗ trợ những người trông coi 7 di tích tại Làng cổ mỗi người 150.000
đồng/tháng. Tiền phí thu được trong năm 2012 chúng tôi cũng hỗ trợ cho
xã Đường Lâm 40 triệu đồng để tuyên truyền, vận động người dân quản lý
trật tự xây dựng trong Làng cổ.
Chúng tôi đang từng bước để làm sao cho người dân Đường Lâm có được
lợi từ di tích thì chắc chắn người dân sẽ giữ gìn và phát huy tốt di
tích Làng cổ Đường Lâm.
Xin cảm ơn ông.
Theo Chinhphu.vn |