Cả nước đang dồn lực “tiếp sức” bất động sản, niềm tin vào sự phục hồi
lên cao hơn bao giờ hết khi thị trường bắt đầu định hình một quỹ đạo
được điều tiết bởi nhu cầu thật của người tiêu dùng.
Vận hội mới
Có thể nói, thị trường BĐS đang đứng trước một vận hội mới. Bất kỳ
dòng sản phẩm nào cũng có chu kỳ thịnh vượng và khó khăn, đối với dòng
BĐS thì đây là một loại hình rất đặc biệt. Bởi sự thịnh vượng của nó
cũng là điều mong mỏi của hàng triệu người tiêu dùng.
Thời kỳ hoàng kim của thị trường BĐS bắt đầu từ đầu năm 2007 và đến
giữa năm 2008 là kết thúc chuỗi ngày tăng trưởng 364% so với những năm
trước đó. Sau đó giảm dần và khó khăn đến ngày hôm nay. Nhưng sự khó
khăn đang qua đi và bắt đầu hồi phục.
Trước hết, nguồn vốn dành cho BĐS dường như đã sẵn sàng. Ngân hàng
đang “thừa” tiền và một phần của nguồn vốn này đang “chực chờ” rót vào
phân khúc nhà ở thông qua nhiều hoạt động liên kết các dự án căn hộ giá
rẻ, người mua có thể trả chậm từ 15 - 20 năm và lãi suất khá hấp dẫn.

Thị trường BĐS đang đứng trước vận hội mới sau chu kỳ trầm lắng kéo dài.
Yếu tố “nhân hòa” đã đến khi hàng loạt chính sách nhằm thúc đẩy thị trường được nhà nước đưa ra.
Đó là, nguồn vốn đầu tư công đã được bổ sung. Trần bội chi ngân sách
đã được nới lỏng từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP. Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng
cho thị trường BĐS nhà ở đang được đẩy nhanh tiến độ. Công ty VAMC, một
công ty 100% vốn nhà nước nhằm phục vụ cho quá trình xử lý nợ xấu của
các NHTM nhằm lành mạnh hóa thị trường tài chính, tín dụng, củng cố
nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế đã được thành lập.
Song song đó, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật
Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi). Một khi hệ
thống luật pháp hoàn thiện sẽ điều tiết việc mua bán nhà ở giữa nhà nước
với cá nhân và giữa cá nhân với nhau theo cơ chế thị trường và được cân
bằng bởi yếu tố cung - cầu. Điều này làm cho giá cả nhà ở hợp lý, được
người tiêu dùng chấp nhận, tạo sự ổn định cho thị trường BĐS.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu DNNN với trọng tâm là cổ
phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà nhà nước
không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường tạo môi trường cạnh tranh
bình đẳng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế. Từ
đó, thu hút thêm nguồn vốn, tạo điều kiện để phát triển hoạt động kinh
doanh BĐS, nhất là BĐS nhà ở.
Nhà nước cũng đang triển khai các biện pháp cụ thể để kiểm soát cung
nhà ở, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, công khai
thông tin về nhu cầu nhà ở dành cho người thu nhập thấp và trung bình để
hạn chế tối đa hiện tượng đầu cơ, giúp người có nhu cầu thật dễ dàng
tiếp cận với nhà ở với mức giá hợp lý.
Kênh đầu tư tối ưu
Chuyên gia, TS. Lê Bá Chí Nhân cho rằng, dù bất kỳ lĩnh vực kinh
doanh nào nhà đầu tư cũng mong muốn nhanh kiếm được lợi nhuận, nhanh thu
hồi vốn và tính an toàn cao. Nếu phân tích về tổng quan thì kênh đầu tư
chứng khoán hiện nay chưa phải là kênh kiếm nhiều lợi nhuận nhưng độ
rủi ro lại cao.
Trong khi đó, kênh gửi tiết kiệm lãi suất lại quá thấp, chủ yếu là
tiền nhàn rỗi từ nhóm người có thu nhập ổn định. Còn kênh đầu tư vàng
hiện nay thị trường đã bước vào quỹ đạo ổn định, giá chênh lệch so với
thế giới không nhiều, lợi nhuận kiếm được từ kênh này không bao nhiêu,
thế nên nhiều người không mấy mặn mà để kinh doanh và đầu tư.
Theo TS. Lê Bá Chí Nhân, bất động sản là một trong những kênh đầu tư
khá an toàn và hấp dẫn, đặc biệt là đối với phân khúc thấp cấp và trung
cấp.
“Dù gì anh mua một miếng đất, một ngôi nhà thì nó sẽ không mất đi, nó
sẽ không rớt giá một cách đột ngột. Hiện giá BĐS cũng được xem là khá
hợp lý rồi, khó có thể giảm thêm nhiều nữa”, TS. Nhân nhận định.
Hiện nay, Chính phủ cũng nhận ra rằng, để kích thích tăng trưởng GDP,
thị trường BĐS là một nhân tố rất quan trọng bởi nó có tác động dây
chuyền đến các ngành kinh tế khác. Minh chứng cho điều này là sự ra đời
Thông tư 20/2013/TTLT-BXD-BNV liên tịch của Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ cho
phép phân lô bán nền có hiệu lực từ 5/1/2014 giúp mở ra lối đi cho thị
trường BĐS.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng dự kiến cho phép các khu đô thị được
xây dựng nhà liền kề trên lô đất tối thiểu 25 m2 giúp tận dụng các diện
tích nhỏ nhằm tránh lãng phí. Đây cũng là cách để giá nhà giảm ở mức
thấp nhất phù hợp hơn với khả năng tài chính và xu hướng đầu tư của đại
bộ phận người tiêu dùng.
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế
Trung ương cho rằng, nới chính sách cho Việt kiều và người nước ngoài
mua nhà tại Việt Nam sẽ tạo ra nhu cầu mới đối với thị trường nhà ở, đặc
biệt là phân khúc trung, cao cấp. Ngoài ra, dòng vốn ngoại chảy vào
Việt Nam thông qua các Hiệp định thương mại tự do dự báo cũng hút mạnh
vào thị trường BĐS.
Theo toquoc.gov.vn |