Hôm qua 17-9, Bộ Xây dựng đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về việc
xử lý thông tin trên báo Tuổi Trẻ xung quanh tình hình kiểm tra khai
thác, vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu cát trên địa bàn các tỉnh An
Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền
Giang, Hậu Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ.

Theo đó, giá cát xây dựng ở các tỉnh đồng bằng sông
Cửu Long năm 2009 có tăng cao hơn năm 2008 nhưng mức tăng không nhiều,
nguyên nhân là giá xăng dầu tăng, dẫn tới chi phí vận tải, khai thác
tăng. Riêng loại cát chất lượng cao nhập về từ Campuchia giá có tăng
cao do Campuchia không xuất khẩu, nhưng lượng cát này chiếm tỷ lệ thấp.
Trước thực trạng xuất khẩu cát hiện nay, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng cho dừng xuất khẩu cát xây dựng, cát làm vật liệu san lấp để bảo đảm sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên cát cho
sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài. Đối với các
hợp đồng xuất khẩu cát đã ký trước ngày 30-11-2008 theo quy định tại
điểm 5 của Chỉ thị số 29/2008/CT-TTg ký ngày 02-10-2008 của Thủ tướng
Chính phủ sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-10-2009.
* Bộ xây dựng cũng cho biết, theo số liệu thống kê
thì hàng năm sông Vu Gia, sông Thu Bồn ở tỉnh Quảng Nam bồi đắp tới hơn
3 triệu khối. Các sông ở tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận
hàng năm cũng bồi lắng hàng trăm triệu mét khối gây cản trở dòng
chảy, ách tắc giao thông, nên việc thực hiện các dự án khơi thông dòng
chảy, nạo vét luồng lạch là điều cần thiết. Như vậy, cát nhiễm mặn tận
thu từ nạo vét, khơi thông luồng lạch tại cửa sông, cảng sông giáp biển
sẽ được sử dụng vào việc san lấp nâng cao các công trình, mở
rộng đảo. Địa phương nào không sử dụng hết thì được phép xuất khẩu.
Bộ Xây dựng cũng cho biết thêm nếu dừng xuất khẩu cát
nhiễm mặn sẽ gây ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện các dự án nạo vét cửa
sông, bến cảng.
|