Giới kinh doanh bất động sản (BĐS) cho rằng giá chung cư ở TP Hồ Chí
Minh đã "chạm đáy" và hiện đang là "thời của người mua". Trong khi đó,
những người có nhu cầu mua nhà vẫn đang kỳ vọng một mức giá giảm sâu hơn
nữa.
Giá đã chạm đáy?
Theo khảo sát của Công ty Tư vấn và quản lý BĐS CB
Richard Eliss (CBRE Việt Nam), giá căn hộ trong 6 tháng đầu năm 2011 ở
thị trường TP Hồ Chí Minh không ổn định. Hai phân khúc căn hộ hạng sang
và bình dân giá giảm so với cuối năm 2010 và quý II-2011 giảm hơn quý
I-2011. Cụ thể, giá trung bình của căn hộ hạng sang khoảng 84,64 triệu
đồng/m2, giảm 1,35% so với cuối năm 2010; căn hộ bình dân giá trung bình
12,74 triệu đồng/m2, giảm khoảng 10,28%.

Riêng phân khúc căn hộ cao cấp đang có giá khoảng 30,8
triệu đồng/m2, nếu tính trung bình 6 tháng đầu năm thì giảm so với năm
2010 khoảng 17,27%, nhưng giá quý II lại cao hơn quý I gần 1 triệu
đồng/m2. Giá căn hộ trung bình hiện khoảng 20,32 triệu đồng/m2, so với
quý I giảm tới hơn 4 triệu đồng/m2, nhưng giá trung bình trong 6 tháng
lại tăng đến 16,97% so với cuối năm 2010.
Theo văn bản của UBND TP Hồ Chí Minh gửi Bộ Xây dựng
ngày 2-8, do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín ký, thì giá BĐS tại
nhiều dự án ở TP Hồ Chí Minh đang dần được trả lại đúng giá trị thực. So
với chi phí đầu tư, giá nhiều dự án BĐS ở TP Hồ Chí Minh đã "chạm đáy"
do nhiều năm qua, thị trường BĐS của TP bị ngưng trệ, không ít chủ đầu
tư vì áp lực tài chính buộc phải giảm giá để thu hồi vốn. Ngoài ra, sự
ngưng trệ và giảm giá của thị trường BĐS thời gian qua cũng xuất phát từ
nhiều nguyên nhân khác như lãi suất tăng cao, các chính sách về thuế,
vốn và đặc biệt là sự mất niềm tin vào thị trường của các nhà đầu tư.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí
Minh (HoReA) cũng cho biết, các doanh nghiệp BĐS đang ở vào tình thế cực
kỳ khó khăn. Một số doanh nghiệp đã chấp nhận bán hòa vốn hoặc thấp hơn
vốn để cắt lỗ vì không thể chịu nổi các khoản lãi suất vay của ngân
hàng.
Đâu là giá trị thật?
Trong khi các doanh nghiệp BĐS liên tục "kêu cứu" thì
phần đông người có nhu cầu mua nhà vẫn đang kỳ vọng một mức giá giảm sâu
hơn.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH TM-XD Lê Thành
tính toán, hai yếu tố trực tiếp cấu thành giá một căn hộ gồm đất (vị
trí đất, tiền bồi thường, tiền sử dụng đất…) và chi phí xây dựng; ngoài
ra còn hai yếu tố gián tiếp là thủ tục pháp lý và lợi nhuận mong muốn
của nhà đầu tư. Thủ tục pháp lý dù không có chi phí trực tiếp nhưng góp
phần quan trọng trong cấu thành giá. Nếu thủ tục nhanh thì dự án được
đẩy nhanh, chi phí sẽ giảm và ngược lại, nếu thủ tục chậm thì chi phí sẽ
cao.
Để giảm giá thành căn hộ, có hai yếu tố mà doanh
nghiệp có thể thực hiện chủ động là giảm diện tích và bớt lợi nhuận mong
muốn. Tuy nhiên, diện tích nhà dù giảm cũng không thể dưới 60m2 vì ít
nhất phải có hai phòng ngủ. Trên thực tế, lợi nhuận mong muốn của nhà
đầu tư quá lớn. Trong đợt thị trường BĐS đóng băng năm 2008-2009, nhiều
doanh nghiệp đã giảm 30-40% giá trị căn hộ nhưng vẫn có lãi.
Bên cạnh đó, giá thành căn hộ cũng sẽ thấp hơn nếu
doanh nghiệp sản xuất bằng quy trình khép kín. Ở các dự án của Công ty
Lê Thành, việc thi công được giao cho công ty thành viên (Công ty Hồng
Anh), chỉ đơn thuần là "làm công, ăn lương". Vì công ty xây dựng không
tính lợi nhuận riêng nên giá thành đã giảm được 20-30%. Do lợi nhuận
mong muốn công ty đặt ra chỉ có 20% nên giá thành căn hộ rất cạnh tranh
trên thị trường. Vì vậy, trong khi nhiều dự án khác đang đóng băng thì
chung cư Lê Thành khu B (đường An Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình
Tân) lại bán rất chạy.
Tuy nhiên, ông Lê Hữu Nghĩa cũng lưu ý, để tính toán
giá thành một căn hộ không chỉ là phần xây thô, mà còn phụ thuộc vào
những yếu tố khác như vị trí đất, chi phí giải phóng mặt bằng, tiền sử
dụng đất và cả… cách làm ăn của doanh nghiệp. Vì vậy, cũng khó có thể
nói đâu là giá trị thật của một căn hộ, trong khi hàng loạt dự án ra đời
đều khoác cho mình một cái tên mỹ miều. Nhưng rõ ràng là trong điều
kiện hàng hóa BĐS dồi dào, bên bán đang chờ bên mua như hiện nay, người
mua sẽ càng có nhiều chọn lựa hơn để có thể sở hữu một căn nhà phù hợp
với khả năng kinh tế của mình.
(Theo dothi)
|