Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho hay: Năm 2012 sẽ có thay đổi nhỏ đối với tín dụng cho bất động sản.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, năm nay vẫn phải có quy định về cho
vay phi sản xuất, vì chưa thể thả ra được bởi chúng ta đang giảm tốc độ
tăng trưởng tín dụng xuống rất thấp, trong khi vẫn phải đảm bảo tăng
trưởng kinh tế từ 6 - 6,5%. Với luồng vốn ít như vậy, chính sách tín
dụng vẫn phải tập trung vốn cho khu vực sản xuất.
Tuy nhiên, năm 2012 cũng sẽ có thay đổi nhỏ đối với tín dụng cho bất
động sản. Nếu trước đây tính bất động sản vào phi sản xuất thì năm 2012
sẽ được xem xét lại sao cho phù hợp hơn. Ví dụ, trong năm 2011, NHNN đã
cho phép được cho vay mua nhà để ở đảm bảo an sinh xã hội như là xây nhà
cho công nhân thuê, nhà xã hội… thì năm 2012 sẽ cho vay thêm đối tượng
xây để hoàn thiện công trình nhà ở sẽ được hoàn tất trong năm 2012.
Ngoài ra, những người vay mua nhà để ở cũng sẽ được cân nhắc tới.
Thêm vào đó, NHNN cũng sẽ cân nhắc đối với một số khoản nợ bất động
sản do doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong thời buổi thắt chặt tiền
tệ. NHNN sẽ có hướng dẫn cho các tổ chức tín dụng thực hiện tái cơ cấu
lại nợ đối với những doanh nghiệp này để họ đỡ áp lực tài chính với
doanh nghiệp và ngân hàng. Việc tái cấu trúc lại những khoản vay đó có
thể giúp họ tháo gỡ được khó khăn. Tất nhiên NHNN sẽ làm rạch ròi hơn
những tiêu chí cụ thể.
Với tín dụng cho thị trường chứng khoán, bên cạnh việc đưa thị trường
tiền tệ trở về đúng nghĩa, người đứng đầu NHNN cho hay sẽ tạo điều kiện
để thị trường vốn phát triển.
Theo lộ trình này, hệ thống ngân hàng sẽ trở thành nơi tạm thời sử
dụng đồng tiền nhàn rỗi của nền kinh tế chứ không phải là một thị trường
đầu tư. Vì vậy, không nên đặt vấn đề lãi suất ngân hàng phải ở mức cao
thế nào.
Còn thị trường vốn là thị trường trung và dài hạn rồi. Nếu dùng tiền
của hệ thống ngân hàng đi đầu tư cho thị trường trung và dài hạn là méo
mó. Tất nhiên, theo khẳng định của ông Bình, hệ thống ngân hàng được sử
dụng một tỷ lệ nhất định để cho vay trung và dài hạn hoặc cho vay thị
trường chứng khoán. Bởi trong hệ thống ngân hàng có lượng tiền đọng giữa
dòng vốn gửi vào và rút ra, tỷ lệ này khoảng 3%, điều này tương đương
với việc ngân hàng chỉ cho vay trong tỷ lệ này…
Minh Tuấn - Theo dothi
|