Những ngày nghỉ tết đã qua và giống như các lãnh vực khác, doanh nghiệp
bất động sản bắt đầu một năm mới với những thách thức đợi ở phía trước.
Giới quan sát nhận định, niềm tin vào thị trường suy giảm, thị trường
khó khởi sắc nếu lãi suất chưa hạ và tín dụng bất động sản vẫn bị siết
chặt. Nhiều chuyên gia cho rằng năm 2012 sẽ tiếp tục là năm khó khăn cho
các doanh nghiệp bất động sản.
Với cùng một câu hỏi là các doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng gì ở thị
trường năm 2012, một số giám đốc doanh nghiệp chia sẻ suy nghĩ của họ
với báo chí trong những ngày đầu tiên của năm con rồng.
Ông Yip Hoong Mun, Phó tổng giám đốc Công ty CapitaLand của Singapore:
Hiện kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó áp
lực từ lạm phát đang ảnh hưởng tới nhà đầu tư và người tiêu dùng. Lãi
suất cho vay cao cũng là một tác nhân ảnh hưởng tới các dự án bất động
sản và sức mua của người dân.
Do đã xác định chiến lược đầu tư lâu dài tại Việt Nam nên CapitaLand
vẫn theo đuổi và lạc quan về thị trường bất động sản. Bằng chứng là ngay
trong thời kỳ khó khăn chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư khoảng 111 triệu
đô la Mỹ vào hai dự án căn hộ mới là Khang Điền và Quốc Cường tại TPHCM
hồi tháng 5-2011.
Chúng tôi nhận thấy tiềm năng phát triển nhà ở thuộc phân khúc trung
bình còn rất lớn tại Việt Nam. Hiện chúng tôi đang phát triển dự án tập
trung vào phân khúc này, nhắm vào số đông người mua. Điều này giúp chúng
tôi cân đối danh mục đầu tư trong lãnh vực nhà ở trong chiến lược mở
rộng thị trường.
Tình hình thị trường hiện nay chỉ là thách thức trong ngắn hạn, và
chúng tôi tin rằng niềm tin của người mua sẽ trở lại trong thời gian
tới.
Với nguồn tài chính mạnh, chúng tôi nhận thấy những thách thức trên
thị trường hiện nay cho chúng tôi những cơ hội đầu tư tốt tại thị trường
Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Công ty dịch vụ địa ốc Hưng Gia Việt:
Ngay đầu năm 2012, Chính phủ đã gửi đi những thông điệp khẳng định sẽ
đưa ra các giải pháp để khôi phục thị trường bất động sản và thị trường
chứng khoán. Bộ xây dựng cũng đã có những kiến nghị cụ thể nhằm đưa một
số loại hình bất động sản ra khỏi nhóm phi sản xuất và đề xuất mở van
tín dụng cho một số phân khúc bất động sản hướng tới nhu cầu thực và an
sinh xã hội. Như vậy, tình trạng suy giảm của thị trường bất động sản
chắc chắn sẽ từng bước được cải thiện trong năm 2012.
Tuy nhiên, điều mà thị trường chờ đợi chính là các giải pháp và lộ
trình cụ thể để thị trường bất động sản đi đúng hướng và phát triển bền
vững. Từ đó từng bước khôi phục lại niềm tin vào thị trường và khơi
thông được nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào thị trường bất động
sản.
Nếu Chính phủ không nhanh chóng và quyết liệt đưa ra các giải pháp
trong nửa đầu năm 2012, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục sẽ chìm sâu
với những khó khăn do tình trạng suy giảm đã kéo dài khá lâu dẫn đến
những hệ luỵ khó lường phát sinh bởi các áp lực và gánh nặng về tài
chính và bế tắc về tính thanh khoản của thị trường.
Theo quan điểm cá nhân, tôi vẫn đặt niềm tin vào sự phục hồi từng
bước của thị trường bất động sản trong năm 2012 bởi vì một điều rất rõ
ràng rằng bất động sản gắn với nhu cầu thiết yếu của người dân và là nhu
cầu cơ bản cần được đáp ứng. Đối với chính phủ thì đó là nhu cầu về an
sinh xã hội cần được đảm bảo và một khi điều kiện kinh tế xã hội phát
triển thì nhu cầu của người dân về nhà ở, về không gian sống, về môi
trường sống ngày càng cần được nâng cao và cần được đáp ứng ở mức độ tốt
hơn.
Điều kiện sống hiện tại của người dân Việt Nam còn rất thấp với chỉ
tiêu diện tích nhà ở bình quân chỉ vào khoảng 14m2/người. Đây chính là
cơ hội cho thị trường bất động sản phát triển. Điều quan trọng là làm
sao cân đối giữa giá nhà và khả năng chi trả của người dân.
Ngoài ra, cần một cơ chế hỗ trợ về mặt tài chính cho người mua nhà
trong trung và dài hạn. Ngân hàng chỉ là một trong các lựa chọn, Chính
phủ cần sớm thông qua và ban hành các quy định tạo điều kiện cho các quỹ
tín thác bất động sản và quỹ tiết kiệm nhà ở ra đời. Đây sẽ là các kênh
tài chính bổ sung phục vụ cho nhu cầu đầu tư và sở hữu bất động sản với
chi phí vốn và lãi suất hợp lý.
Ông Chow Chee Fan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng:
Theo tôi thì sự phục hồi của thị trường bất động sản không chỉ phụ
thuộc vào lãi suất hạ xuống và ngân hàng mở van tín dụng cho vay. Nó là
một chuỗi liên hệ giữa sự hồi phục của nền kinh tế, của các công ty và
niềm tin của nhà đầu tư hay người mua nhà để ở. Dĩ nhiên khi lãi suất
ngân hàng hạ xuống sẽ giảm bớt gánh nặng cho các công ty địa ốc, đặc
biệt cho các công ty sử dụng vốn vay nhiều.
Tôi cho rằng, ngay cả khi lãi suất ngân hàng hạ xuống thị trường bất
động sản chưa thể hồi phục ngay lập tức được, mà sẽ phải mất khoảng sáu
tháng vì tâm lý chờ đợi của người mua vẫn còn.
Tuy nhiên, nhà ở là thứ cần thiết trong cuộc sống, đặc biệt là tại
Việt Nam nói chung vẫn đang thiếu rất nhiều nhà ở cung cấp cho thị
trường. Hiện tại thị trường đang đi xuống và người mua đang chờ đợi,
nhưng họ không thể đợi mãi được mà sẽ mua nhà vào thời điểm tốt nhất.
Theo quan sát của tôi thì thị trường bất động sản sẽ tiếp tục khó
khăn trong nửa năm đầu của 2012, và có thể sẽ khởi sắc hơn vào nửa cuối
năm nay. Cũng phải hết nửa năm 2013 thị trường mới phục hồi và sẽ bật
dậy vào đầu năm 2014.
Những chủ đầu tư có kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính và có dự án tốt sẽ hưởng nhiều lợi thế khi thị trường phục hồi.
Minh Tuấn - Theo dothi
|