Những mảng tường bong tróc, mọc rêu xanh, loang lổ, dây điện mắc chằng
chịt, phòng chật chội, đường ống dẫn nước không đảm bảo dẫn đến mất nước
thường xuyên… là tình trạng chung của một số khu tập thể cũ ở Hà Nội.
Mặc dù đã nhiều lần kiến nghị sửa chữa, xây mới các khu tập thể,
nhưng vẫn bất động nên người dân phải sống khổ trong những nhà tập thể
chờ ngày… sập.
Xuống cấp nghiêm trọng
Khảo sát của PV cho thấy trên địa bàn Hà Nội còn rất nhiều khu tập
thể được xây dựng từ những năm 80, 90 của thế kỉ trước, cá biệt còn có
một số nhà tập thể cũ hơn được xây vào khoảng những năm 50, 60. Hiện
nay, hầu hết các nhà tập thể đều xuống cấp nghiêm trọng và không đảm bảo
an toàn cho người dân sống trong đó.

Cảnh sinh hoạt thường thấy ở khu tập thể Văn Chương.
Tại các khu tập thể: Nghĩa Tân, Hồng Mai, Văn Chương, Kim Liên, khu
tập thể 8/3, khu tập thể Nam Đồng… đều ở trong tình trạng “cổ”, rêu xanh
mọc bám đầy vào tường, các đường ống nước chằng chịt, dây điện được mắc
như mạng nhện trên không trung gây nguy hiểm, đặc biệt trong những ngày
mưa to, gió lớn.Việc ngập lụt ở các khu tập thể trong những ngày mưa
lớn đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.
Khu tập thể Hồng Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được xây dựng từ những
năm 80 của thế kỉ XX, tuy nhiên quan sát ở đây giống như là những căn hộ
“rêu phong” trên phố cổ. Lối đi lên khu tập thể như một cái hang tối
om, cầu thang không có điện, tường bong tróc ngả màu, khu vệ sinh đã quá
cũ, các quán nước, chợ họp bủa vây, không có nhà xe… làm cho khu tập
thể mất mĩ quan và nhếch nhác.
Mạng lưới điện ở khu tập thể Hồng Mai rất không an toàn nhất là trong
mùa mưa. Mùa hè thì mất nước trầm trọng. Ông Chu Nhân Nghĩa, sống tại
tầng 5 của khu tập thể Hồng Mai, cho biết: “Mùa hè ở đây nóng và mất
nước liên tục, cả nhà nhiều hôm không được tắm mặt ai cũng nhăn nhó”.
Đặc biệt, trong khu tập thể, vì khoảng không gian chật chội nên nhiều
gia đình đã tự ý xây dựng và mở rộng các lan can, chuồng cọp… Các đường
ống nước ở đây đều đã hoen gỉ, hỏng hóc nhưng vẫn không được cấp phép
sửa chữa.
Vì không có bãi gửi xe nên hàng ngày chị Hồng, người dân trong khu
tập thể vẫn phải dắt xe bộ lên tận tầng 5. Chị tâm sự: “Ở đây cũng có
bãi gửi xe nhưng mà đắt lắm, lương chẳng là bao gửi xe nữa cũng hết. Dắt
xe lên tầng 5 cũng vất vả lại không tiện đi lại nhưng ở mãi cũng phải
quen thôi”.
Khu tập thể Văn Chương, ngõ Văn Chương, Khâm Thiên, Hà Nội cũng ở trong tình trạng xuống cấp và mất an toàn. Nhà cũ kĩ, chật chội,
mỗi căn hộ ở đây chỉ được khoảng chưa đầy 25m2 cho một gia đình. Được
xây dựng từ lâu, khu tập thể này đã bị bong tróc sơn, tường xây vôi và
cát nhiều nên bụi bặm và có thể sập bất cứ lúc nào. Đường lên khu tập
thể giống như đi vào hang tối, nền nhà bẩn và nhầy nhụa đất cát rơi từ
trên trần. Sống tại khu tập thể này, chị Hoa (28 tuổi) chia sẻ: “Nhà
chật chội thì chớ lại hay mất nước, lan can cầu thang đã quá cũ và tối
rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ”. Mặt khác, ở tại khu tập thể phải sử dụng nhà
vệ sinh chung gây bất tiện cho các hộ gia đình.
Sống khổ trong khu tập thể
Các khu tập thể ở Hà Nội đã ngày càng xuống cấp trầm trọng, nguy cơ
sập đổ là rất lớn. Thế nhưng, khi nhà nước vẫn còn “bó tay” thì người
dân vẫn phải ngậm ngùi sống khổ và chờ ngày cải tạo.
Đến khu tập thể Nghĩa Tân mới thấy hết được cảnh chật chội, ẩm thấp
và độ nguy hiểm mà người dân ở đây đang phải sống và chịu đựng. Anh Quốc
Huy, sống trong khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy chia sẻ: “Nhà chật, ẩm
thấp, diện tích lại hẹp, mất nước liên hoàn. Mọi người ở trong khu tập
thể chỉ sống tạm bợ và chờ ngày chuyển đi”.

Khu tập thể Hồng Mai với những chuồng cọp mọc ra trông nhếch nhác và mất mĩ quan.
Một thực tế phổ biến ở khu tập thể Nghĩa Tân là người dân đang bất
chấp vi phạm để cơi nới, mở rộng diện tích bằng cách xây chuồng cọp,
ghép ván, để bình chứa nước ở ngoài…trông rất mất mỹ quan và nguy hiểm.

Những mảng tường bong tróc và mọc rêu xanh trong khu tập thể Văn Chương.
Anh Toàn, một sinh viên đang trú tại khu tập thể Hồng Mai cũng cho
biết “khổ nhất là bọn trẻ nhỏ, đi lại không an toàn vì tối om, mùa hè
mất điện, mất nước, nhà lại chật khổ lắm”. Đúng vậy, tại khu tập thể này
thường xuyên mất nước và hệ thống vệ sinh ở đây đã quá cũ, không đảm
bảo vệ sinh, các cầu thang lên xuống giống như những cái hang tối om,
không gian nhà thiếu ánh sáng… đã “hành” người dân ở đây suốt bao nhiêu
năm.
Người giàu bỏ đi
Không chịu được cảnh sống khổ sở trong khu tập thể, những người giàu
có, làm ra tiền đã lần lượt bỏ đi đến các nơi an cư mới. Một phần lớn
các căn hộ trong khu tập thể này được nhượng lại và cho sinh viên thuê
trọ học dài hạn.
Cũng theo ông Chu Nhân Nghĩa, huấn luyện viên bóng bàn sống ở khu
chung cư Hồng Mai, Hà Nội nói: “Những người giàu trong khu chung cư đã
bỏ đi hết chỉ còn mấy gia đình nghèo làm công ăn lương vẫn không thể rời
đi vì nỗi lo cơm áo đè nặng”. Được biết, người dân trong khu tập thể
Hồng Mai đã nhiều lần kiến nghị lên UBND quận và thành phố về việc cải
tạo và xây mới song các cấp chính quyền vẫn lần lượt kêu khó.
Có một thực tế ở các khu tập thể đã xuống cấp và mất an toàn là không
thể giữ chân được người giàu có, bởi không ai giao phó tính mạng mình
cho những khu nhà tập thể xuống cấp, không đảm bảo an toàn và có thể sập
bất cứ lúc nào.
Đó là chuyện hiển nhiên. Tuy nhiên, còn những người vì không thể
chuyển đi đâu khác nên đành ngậm ngùi sống nơm nớp trong nỗi lo nhà sập.
Mong mỏi được cải tạo, xây mới, dựng các khu tái định cư, người dân đã
nhiều lần kiến nghị nhưng các cơ quan lần lượt kêu khó từ chối nên việc
có một nơi ở mới an toàn hơn với người dân vẫn chỉ là “giấc mơ” không
biết bao giờ mới thành hiện thực.
Minh Tuấn - Theo dothi
|