Tại TP.HCM, giá nhiều dự án địa ốc được cho là đã về đáy. Do thị trường
phía Nam phụ thuộc lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng nên rất nhiều DN BĐS
vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong suốt từ đầu 2013 đến nay.
Dậm chân tại chỗ
Thị trường căn hộ TP.HCM vẫn ghi nhận sự lao dốc không phanh về giá
cả cũng như thanh khoản. Có lẽ, điểm nhấn của toàn thị trường tập trung ở
việc cạnh tranh giá thành giữa các chủ đầu tư. Số liệu của các công ty
tư vấn cho thấy giá của các dự án mới chào bán giảm khoảng 10% so với
các dự án đã chào bán cách đây khoảng 1 năm trong cùng khu vực. Đây
chính là hệ quả của việc gia tăng lượng cung của hàng tồn kho. Theo báo
cáo của CBRE, giá bán của phân khúc hạng sang ghi nhận mức giảm 2,2% và
phân khúc cao cấp giảm 1% so với quý IV/2012, trong khi phân khúc bình
dân và trung bình hầu như không thay đổi nhiều. Tại Sài Gòn, các dự án
được chào bán trong quý I/2013 bao gồm: Happy Valley trong khu Phú Mỹ
Hưng với 163 căn, Prince Residences tại quận Phú Nhuận với 277 căn, Nhất
Lang 3 ở quận Bình Tân với 240 căn và căn hộ Metro Apartment 104 căn.
Thống kê của Savills Việt Nam chỉ ra hiện TP.HCM có khoảng 85.300 căn
hộ, trên 285 dự án cả sơ cấp và thứ cấp; tăng nhẹ 3% theo quý và 7% theo
năm. Tính đến cuối tháng 3/2013, có khoảng 15.800 căn hộ trên thị
trường sơ cấp, tăng 8% theo quý và 28% theo năm. Toàn quý III/2013 có 5
dự án mới gia nhập thị trường – cung cấp thêm khoảng 1.500 căn, so với
cùng kỳ năm trước số lượng giao dịch có dấu hiệu nhích lên. Tuy nhiên,
tỷ lệ hấp thu của toàn thị trường giảm nhẹ 1% do nguồn cung tăng lên.
Đây là những yếu tố lạc quan của thị trường, và cho thấy chính sách hỗ
trợ khó khăn của Chính phủ đã bắt đầu đi vào cuộc sống, nâng cao niềm
tin cho người mua nhà.

Đánh giá về "sức khỏe" BĐS đầu năm 2013, Chuyên gia BĐS Trương An
Dương cho rằng: Hiện vẫn đang là thời điểm khó khăn cho các DN. Đối với
sản phẩm cao cấp, nhiều DN thậm chí một tháng không bán nổi một căn. Đại
diện cho CBRE, TGĐ điều hành Marc Townsend khẳng định: Sự tác động của
lãi suất giảm trên thị trường đối với giao dịch là rất nhiều. Bởi nó tạo
được niềm tin cho thị trường,cho khách hàng: người đi mua đã vững tin
hơn khi nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc hỗ trợ lãi suất sẽ thúc
đẩy số lượng giao dịch trên thị trường, đặc biệt là thị trường nhà giá
rẻ. Điều này trực tiếp tạo nên hiệu ứng đô-mi-nô lên các phân khúc thị
trường khác tại TP.HCM hiện nay.
Có thể thấy, Nhà nước đã có nhiều bước chủ động nhằm hỗ trợ người
mua nhà và cân nhắc cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại thành nhà
ở xã hội – giải tỏa sức ép cho thị trường BĐS. Với mặt bằng giá căn hộ
được điều chỉnh trong thời gian dài vừa qua tại TP.HCM, nhiều khả năng
tốc độ giảm giá căn hộ sẽ chậm dần với tỷ lệ thấp. Một số giải pháp ngắn
hạn cũng như dài hạn mang tính căn cơ được đưa ra như lãi suất ưu đãi
6% dành cho một số đối tượng vay hoặc dự thảo chuyển đổi dự án nhà ở
thương mại thành NƠXH; lãi suất trần huy động đã giảm 0,5 điểm % xuống
còn 7,5%/năm và đang được kỳ vọng sẽ còn giảm hơn nữa trong năm 2013.
Đây là những tín hiệu đáng để hy vọng cho BĐS bởi khi dòng tiền tiết
kiệm không còn hấp dẫn người dân thì sẽ được chuyển sang các kênh đầu tư
khác ưu việt hơn. Khi đó, với bối cảnh giá nhà đất đã hạ "đủ nhiều",
thì kênh BĐS không lý gì nằm ngoài tầm ngắm của nhà đầu tư trong thời
gian ngắn tới.
Tin ở ....2014
Với lãi suất giảm như lãi suất tái cấp vốn từ 9% xuống còn 8%, lãi
suất chiết khấu từ 7% xuống 6%, lãi suất trần giảm từ 8% xuống 7,5% sẽ
là yếu tố hỗ trợ sự phát triển trở lại của thị trường. Bởi khi lãi suất
thấp, nhà đầu tư sẽ hướng dòng tiền tới kênh khác có lợi hơn, trong đó
có vàng, ngoại tệ và BĐS hay chứng khoán. Điều này chắc chắn đã mang lại
hiệu quả trông thấy về mặt tâm lý trên thị trường. Tuy nhiên, hiệu quả
thực tế vẫn còn phải chờ thêm thời gian kiểm chứng. Nhiều chuyên gia
nhận định, nửa cuối 2013 sẽ là khoảng thời gian thị trường BĐS bắt đầu
"ngấm thuốc" (tác dụng của chính sách vĩ mô). Theo TS.Sử Ngọc Khương –
GĐ Bộ phận Đầu tư của Savills Việt Nam, đối với thị trường BĐS Việt Nam
thì uy tín để đưa ra một sản phẩm là rất quan trọng. Bên cạnh chất lượng
của sản phẩm đó thì uy tín của DN cũng là yếu tố quyết định hàng đầu.
Bằng chứng là thời gian qua, dù thị trường đi xuống nhưng nhiều DN vẫn
bán được hàng.
Áp lực từ nguồn cung mới cũng đang là vấn đề đè nặng lên kế hoạch
kinh doanh của nhiều chủ dự án BĐS còn đang tồn căn hộ. Đây cũng là một
trong những áp lực cạnh tranh lớn trên thị trường, trong bối cảnh nguồn
cung thứ cấp liên tục phải cắt lỗ. Điểm dễ nhận ra là khi chào bán dự án
mới, giá bán đều hấp dẫn, tạo nên mặt bằng mới cho giá căn hộ. Vì nguồn
cung tương lai trong 2 quý tới có khoảng 1.800 căn hộ dự kiến được chào
bán trên thị trường TP.HCM. CBRE cho rằng, các dự án được chào bán
trong tương lai sẽ tiếp tục có những chính sách bán hàng linh hoạt nhằm
thu hút người mua. Như để nhắc nhở những đồng nghiệp của mình, ông Lê
Hữu Nghĩa – GĐ Cty Lê Thành nhấn mạnh: Nhà nước không cứu BĐS, mà là
giải quyết khó khăn nền kinh tế. Ngân sách dành cho người dân được hỗ
trợ ở đâu cho phù hợp, chứ không phải mang tiền cho tất cả các phân
khúc. Hiện nay Nhà nước đang hỗ trợ một phân khúc duy nhất là phân khúc
dành cho người thu nhập trung bình thấp và NƠXH. Bằng cách bơm tiền trực
tiếp cho người dân có nhu cầu thực, vay mua nhà để ở. Người dân có nhà
ở, DN giải quyết được vấn đề tồn kho, đồng thời qua đó khuyến khích DN
phát triển đầu tư cho phân khúc trung bình cũng như NƠXH. Trong tương
lai sẽ có nhiều DN đầu tư vào NƠXH. Khi phân khúc này chuyển động tốt
thì sẽ lan truyền sang các phân khúc khác trên toàn thị trường.
Khó khăn chính của chủ đầu tư là không có vốn để triển khai dự án
(triển khai mới hoặc làm tiếp dự án còn dang dở) mà Ngân hàng thì thận
trọng cho vay theo kiểu "trông giỏ bỏ thóc". Riêng đối với phân khúc
trung bình, thị trường đã chứng kiến một vài trường hợp tìm cách tăng
tính thanh khoản cho dự án bằng việc đầu tư cho thuê hay thuê dài hạn
trong nhiều năm. Điều mà phân khúc này đang "mỏi mắt ngóng trông" nhất,
chính là việc chuyển đổi dự án sang loại hình NƠXH và chờ dự thảo của
NHNN về cho vay BĐS với lãi suất 6%/năm đi vào triển khai. Trong cuộc
họp gần đây nhất, UB Kinh tế Quốc hội đã khẳng định: Tâm lý chờ đợi Nhà
nước giải cứu của các chủ đầu tư là hoàn toàn sai lệch. Với nợ xấu như
hiện nay, cứu BĐS là điều không thể. Điều cần làm của các chủ dự án
chung cư lúc này là đảm bảo uy tín, tiến độ triển khai, giá căn hộ và
tiến độ thanh toán. Tất cả phải sát với giá thực và nhu cầu thực về nhà ở
hiện nay của đại bộ phận người dân. Các chuyên gia BĐS cũng nhận định,
năm 2013 vẫn sẽ chứng kiến áp lực tài chính đè nặng lên các chủ đầu tư.
Tuy nhiên, giá căn hộ trên thị trường sơ cấp khó có thể giảm hơn nữa.
Với các chính sách ưu đãi như chiết khấu, thanh toán linh hoạt, tặng
quà, lãi suất vẫn tiếp tục được xem xét ưu đãi hơn, sẽ tạo tính thanh
khoản thêm cho thị trường, gây dựng dần dần niềm tin và sức sống của DN
trở lại, chờ đà phục hồi mạnh mẽ vào năm tới.
Ông Lê Hữu Nghĩa – GĐ Cty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành
Năm 2013 do tình hình BĐS
vẫn khó khăn nên tất cả các phân khúc đều bị ảnh hưởng, bao gồm cả phân
khúc trung bình. Hiện tại, gần như những người có thu nhập trung bình
đều chưa quan tâm tới việc đi mua nhà. Chính vì vậy phân khúc trung bình
đang bán rất chậm. Theo tôi, có một phân khúc có thể bán tốt, đó là
phân khúc trung bình thấp. Phải thấp hơn nữa thì người ta mới có thể mua
được. Ví dụ một căn nhà trị giá 500-600 triệu đồng sẽ bán rất dễ; còn
căn hộ 1 tỷ đồng lúc này bán không dễ như hồi xưa. Các DN hoạt động tại
phân khúc trung bình đang rất khó khăn.
|
Theo Baoxaydung |