Dù đánh giá thị trường BĐS đang để lại những hậu quả hết sức đau đớn,
nhưng các chuyên gia ngoại vẫn tin vào khả năng phục hồi của thị trường.
Giảm mạnh
Theo khảo sát của CBRE, trong một thời gian dài, Hà Nội và TP. HCM đã
hòa theo xu hướng chung của các thành phố khác của châu Á là đầu tư xây
dựng nhiều khu đô thị mới, nhà ở. Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, khả
năng chi trả tăng và phân bố dân cư theo hướng thuận lợi đã giúp thị
trường bất động sản phát triển thuận lợi trong vòng 5 năm. Tuy nhiên,
sau đó, cùng với khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khó khăn của nền kinh
tế trong nước, thị trường bất động sản đã giảm mạnh và hiện giá đang trở
lại với mức của năm 2007.

Với việc các kênh đầu tư khác đang kém hấp dẫn, nhà đầu tư sẽ dần quay lại với bất động sản
Theo ông Marc Townsend, các chủ đầu tư trước đây chú trọng đầu tư vào
phân khúc trung, cao cấp phải trả giá vì tỷ lệ hàng bán được thấp,
trong khi sức ép lãi suất ngày càng tăng cao, khiến doanh nghiệp thiếu
vốn, trong đó có nhiều trường hợp phải dừng thi công. Đáng chú ý, phần
lớn các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên TTCK có lợi nhuận rất
thấp trong vòng 3 năm qua. Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã giảm
mạnh giá bán, chấp nhận giảm lãi, hòa vốn, thậm chí chịu lỗ để đẩy hàng
tồn kho.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, hiện tại, trên thị trường có khoảng 50.000
căn hộ đang trong quá trình xây dựng, trong số này khoảng 50% là chưa
bán được”, ông Marc Townsend đánh giá và cho biết, thời điểm số căn hộ
sơ cấp bán được nhiều nhất là năm 2009 và 2010, với khoảng 16.000
căn/năm, còn từ đó đến nay, thị trường Hà Nội và TP. HCM chỉ bán được
dưới 5.000 căn/năm.
Tại cuộc Tọa đàm về triển vọng thị trường bất động sản do Báo Đầu tư
tổ chức và qua, ông Chris Brown, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn bất động
sản Cushman & Wakefield cũng cho rằng, hiện căn hộ hạng B và C đang
chiếm lĩnh thị trường tại Hà Nội và TP. HCM. Tuy nhiên, mức độ giao dịch
rất thấp khiến các chủ đầu tư phải tìm mọi cách để có lối thoát như
chia nhỏ căn hộ, hoàn thiện căn hộ để cho thuê…
Cơ hội phục hồi
Theo ông Marc Townsend, việc thị trường bất động sản đóng băng đã
khiến các nhà đầu tư tìm đến các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng,
tiết kiệm, trái phiếu chính phủ. Điều đó được minh chứng khi TTCK Việt
Nam trở thành một trong những thị trường tăng mạnh nhất khu vực và trên
thế giới trong nửa cuối năm 2012 và những tháng đầu năm 2013.
Tuy nhiên, với việc lãi suất huy động giảm liên tục trong 18 tháng
qua, từ mức 16%/năm trong năm 2012 xuống còn mức thấp nhất hiện nay là
6%/năm, trong khi giá vàng bất ổn, chứng khoán đã có dấu hiệu chững lại,
thì nhiều khả năng, thị trường bất động sản sẽ có được sự quan tâm trở
lại của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết
02/NQ-CP, trong đó có các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản vào
đầu năm nay cũng khiến nhiều người đặt niềm tin vào sự phục hồi của thị
trường bất động sản.
Theo ông Marc Townsend, hiện các dự án đã hoàn thành đang dần dần được lấp đầy bởi người mua để ở và mua cho thuê.
“Với việc các kênh đầu tư khác đang kém hấp dẫn, chúng tôi tin rằng,
nhà đầu tư sẽ từ từ quay trở lại thị trường bất động sản, bất chấp là có
Nghị quyết 02 hay không”, ông Marc Townsend nói.
Cũng có nhận định lạc quan về xu hướng của thị trường bất động sản
trong thời gian tới, song ông Chris Brown cũng đưa ra lời cảnh báo về
những thách thức mà thị trường vẫn còn phải đối mặt như tính minh bạch
còn thấp, thuế cao, khả năng tiếp cận nguồn vốn khó khăn, lãi suất cho
vay cao, hạ tầng còn yếu kém, giá đất cao, quy hoạch thiếu và yếu…
“Không thể có giải pháp nhanh hay phép màu nào cho thị trường bất
động sản Việt Nam ”, ông Chris Brown nhìn nhận và cho rằng, hiện nay,
niềm tin đầu tư vẫn còn yếu và sẽ mất thời gian để thị trường phục hồi.
Ông Chris Brown cũng kiến nghị, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và
các bộ, ngành là đúng hướng, nhưng cần chi tiết và cụ thể hơn, trong đó
cần nâng cao tính minh bạch của cơ chế đầu tư vào thị trường bất động
sản đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ĐTCK |